GIỚI THIỆU DI TÍCH LỊCH SỬ BẾN ÂU LÂU
Từ xưa nơi đây, vốn là Bến đò Âu lâu (người dân trong vùng quen gọi là Vạn Lâu) để người dân đôi bờ qua lại làm ăn, sinh sống. Bến đò nằm giữa đôi bờ lau lách rập rạp, vắng vẻ. Dân hai bên bờ Âu Lâu giỏi làm ruộng, làm nương, còn giỏi nghề sông nước, các mẹ, các chị nơi đây chèo thuyền bằng tay, bằng chân rất giỏi. Từ một nơi chỉ là bến đò nhỏ qua lại của người dân đôi bờ dần dần nó trở thành điểm nối lớn nhất và thuận tiện nhất với Miền tây Yên Bái nói riêng và Tây bắc Tổ quốc nói chung.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bến Âu Lâu là cửa ngõ đi vào Tây Bắc, lại là nơi duy nhất có thể vận chuyển được các loại vũ khí hạng nặng như: pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài qua sông, bởi thế nơi đây được xác định là điểm cực kỳ quan trọng trong những năm kháng chiến. Trong thời gian này, bến Âu Lâu được tăng cường cả về cơ sở vật chất và nhân lực để rồi gồng mình chống đỡ những trận bom mà vẫn chuyên chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men và con người ùn ùn vượt sông Hồng tham gia chiến dịch Lý Thường Kiệt (năm 1951), chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ (năm 1952) và đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.
Trải qua hàng trăm ngày đêm chuẩn bị chiến dịch, lực lượng dân công và công nhân bến phà Âu Lâu đã luôn nỗ lực cố gắng đảm bảo luôn được thông suốt. Tập thể đã được Bác Hồ gửi thư khen gợi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen lập thành tích xuất sắc trong quá trình phục vụ kháng chiến.
Trong những năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bến Âu Lâu đã hứng chịu rất nhiều bom đạn của kẻ thù mà vẫn đều đều vận chuyển con người và hàng hóa từ miền Tây ra phục vụ tiền tuyến, vào với “miền Nam ruột thịt” rồi lại chuyển các phương tiện kỹ thuật lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Tây. Bến Âu Lâu đã chung tay góp sức cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Gần sáu thập kỷ phục vụ (1935-1992), bến đò Âu Lâu rồi đến bến phà Âu Lâu đã chứng kiến nhiều kỳ tích lịch sử. Nơi đây đã viết lên những trang sử vàng cho vùng đất Yên Bái nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Bãi sông thuộc địa danh xã Âu Lâu bây giờ xanh tốt lúa ngô, rau khoai đã một thời đạn bom khói lửa, tấp nập người, xe, quân lương, vũ khí từ các thuyền, phà, hối hả bước xuống ngược miền Tây để rồi làm nên cái chiến thắng oanh liệt “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau khi đất nước thống nhất, bến phà Âu Lâu tiếp tục hoạt động và xây dựng thành đơn vị chủ chốt của ngành giao thông vận tải tỉnh Yên Bái. Ngày 30/12/1992, cầu Yên Bái được khánh thành và đi vào hoạt động là lúc bến Âu Lâu kết thúc sứ mệnh của mình sau gần 60 năm. Do ý nghĩa và giá trị lịch sử của bến Âu Lâu, tỉnh Yên Bái đã xây dựng tượng đài “Bến Âu Lâu lịch sử” ở phường Nguyễn Phúc trên ngã ba đường gần bến.
Được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012, với những giá trị lịch sử to lớn không thể phủ nhận; bến phà Âu Lâu nằm giữa lòng thành phố Yên Bái ngày nay và thị xã Yên Bái ngày xưa. Với những cống hiến của mình trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của lịch sử dân tộc, bến Âu Lâu xứng đáng được ghi danh, trở thành điểm di tích để lưu giữ truyền thống cho các thế hệ mai sau….
Với những thành tích được ghi nhận trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc, bến Âu Lâu rất cần sự quan tâm, gìn giữ để phát huy giá trị của một di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, trở thành điểm đến để giáo dục truyền thống đấu tranh giữ nước, tinh thần kiên cường, về một thời gian khổ nhưng rất anh hùng của các thế hệ cha ông chống quân xâm lược, bảo vệ quê hương đất nước. Ngày 07/8/2012 Bến Âu Lâu được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 3027/QĐ-BVHTTDL.
Bộ phận Văn hóa p. Nguyễn Phúc