Giới thiệu chung

Từ năm 1946, địa bàn phường Nguyễn Phúc khi đó trực thuộc xã Phạm Hồng Thái, huyện Trấn Yên. Đến năm 1947 khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, địa bàn phường Nguyễn Phúc thuộc liên xã Phó Đức Chính sau đổi tên là xã Nguyễn Phúc, huyện Trấn Yên. Đến năm 1956, Chính phủ ban hành Nghị định số: 727/TTg tái lập thị xã Yên Bái, phường Nguyễn Phúc thuộc khu phố I thị xã Yên Bái.

Cuối năm 1979, Uỷ ban nhân dân thị xã Yên Bái sắp xếp lại 6 khu phố thành 4 tiểu khu hành chính. phường Nguyễn Phúc thuộc tiểu khu Nguyễn Phúc (bắt đầu từ cống Ngòi Yên đến Nhà máy gạch Xuân Lan ngày nay). Ngày 03/01/1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 03-CP “Từ nay, ở nội thành đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp của thành phố trực thuộc Trung ương đều thống nhất gọi là quận; các đơn vị ở cơ sở nội thành, nội thị của các thành phố thuộc tỉnh, thị xã và quận gọi là phường”. Thị xã Yên Bái quyết định: Tiểu khu Nguyễn Phúc được gọi là phường Hồng Hà. Ngày 06/6/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 101/HĐBT-QĐ về việc chia tách 4 phường của thị xã Yên Bái thành 7 phường. Trong đó phường Hồng Hà tách thành 2 phường là phường Hồng Hà và phường Nguyễn Phúc.  

Là mảnh đất lâu đời nên mảnh đất Nguyễn Phúc ngày nay chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn gắn liền với lịch sử của thị xã Yên Bái và huyện Trấn Yên. Hiện tại, trên địa bàn phường có hai cụm Di tích lịch sử là Cổng Đục – Đồn Cao và Bến Âu Lâu:

– Cụm di tích lịch sử Cổng Đục – Đồn Cao nay thuộc tổ dân phố Phúc Tân của phường. Sau khi chiếm thị xã tỉnh lỵ Yên Bái thực dân Pháp cho xây dựng đồn binh là đồn Cao và đồn Dưới  (vị trí cao 70m so với mực nước biển) thành khu vực quân sự.  Đây là nơi đồn trú của một cơ lính khố xanh và bốn cơ lính khố đỏ (cơ số 5, 6, 7, 8 thuộc Trung đoàn khố đỏ Bắc Kỳ) cùng 20 sỹ quan và hạ sỹ quan Pháp do Trung tá Lơ- ta –công là tổng chỉ huy. Tại Đồn Cao có thể quan sát, khống chế, kiểm soát toàn bộ trung tâm tỉnh lỵ và một đoạn sông Hồng bao quanh phía Tây thị xã dài chừng 2km, từ bến Âu Lâu đến Bách Lẫm cùng tuyến đường bộ, đường sắt nối từ Yên Bái đến các vùng lân cận. Để tthuận tiện cho xe cơ giới và binh lính cơ động, thực dân  Pháp cho đục hầm qua quả gò để làm đường đi, nối từ Đồn Cao tới các khu vực hậu cần của đồn (kho chứa quân dụng, xe pháo, chuồng ngựa, nhà thương…). Vì vậy cổng này có tên là Cổng Đục.

Ngày 20/01/2012 của UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 60/QĐ-UBND công nhận di tích Cổng Đục – Đồn Cao đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. 

 – Di tích Bến Âu Lâu nằm bên đôi bờ sông Hồng, tả ngạn thuộc tổ dân phố Phúc Thọ và Phúc Tân phường Nguyễn Phúc, hữu ngạn thuộc thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Xa xưa nơi đây là bến đò Vạn Lâu, là nơi qua sông  thuận tiện nhất nối thị xã tỉnh lỵ với các vùng lân cận; nối  khu vực Việt Bắc và Tây Bắc. Với vị trí chiến lược, quan trọng về giao thông, năm 1935, thực dân Pháp cho xây dựng thành Bến phà Âu Lâu. Trong những ngày tháng Tám lịch sử, bến Âu Lâu là nơi tập kết, bí mật đưa đón các cán bộ cách mạng, du kích vượt sông Hồng đánh chiếm trại bảo an binh của Nhật tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã tỉnh lỵ. Trong chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951), một hướng của đại đoàn 312 đã vượt sông Hồng qua bến Âu Lâu tiến đánh khu quân sự Nghĩa Lộ. Trong chiến dịch Tây Bắc (1952) bến Âu Lâu là một vị trí vượt sông lớn nhất đưa các đoàn quân và vũ khí vào chiến trường Tây Bắc, góp phần giải phóng tỉnh Yên Bái khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bến Âu Lâu một lần nữa lại là nơi tập kết đưa những đoàn quân và vũ khí hạng nặng vào chiến trường góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ của dân tộc Việt Nam.

Ngày 07/8/2012 của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3027/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích bến Âu Lâu là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cũng tại địa điểm này, tượng đài bến Âu Lâu được xây dựng sừng sững, uy nghi khắc họa hình ảnh một phụ nữ cầm mái chèo đứng cạnh người thủy thủ bên mỏ neo sắt, sát cánh cùng Bộ đội Cụ Hồ, để thế hệ sau mãi mãi tự hào, biết ơn về một những sự kiện lịch sử hào hùng tại địa danh này.

Ngày nay phường Nguyễn Phúc có tổng diện tích đất tự nhiên là: 142,18 ha. Phía đông giáp phường Nguyễn Thái Học, Phía Tây giáp sông Hồng và xã Âu Lâu, phía Nam giáp phường Hồng Hà, phía Bắc giáp xã Nam Cường và xã Tuy Lộc. Có đường Yên Bái – Khe sang chạy qua dài 2,5 km, địa hình đồi núi cắt xẻ len lỏi xen kẽ, có độ ẩm cao, nằm trong tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa của Tỉnh Yên Bái. Hiện dân số của phường là 7.344 người, 2.145 hộ, được phân bố ở 07 tổ nhân dân, có 13 dân tộc anh em sinh sống, trong đó: Kinh: 96,1%, Dao: 0,2%, Chăm: 0,01%, Mường: 0,36%, Hoa: 0,06%, Thái: 0,19%, Cao Lan: 0,1%;  Mông: 0,1%; Dáy:  0,01% Nùng: 0,06%; Thổ: 0,05%; Chơro: 0,02%; Tày: 2,74%. Có gần 20 cơ quan, đơn vị, 40 doanh nghiệp lớn vừa và nhỏ đóng trên địa bàn. Dân cư của phường chủ yếu là cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước, công nhân lao động đã nghỉ hưu chỉ còn một phần nhỏ là làm nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, thương mại, lao động tự do và sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí khá cao và đồng đều.

Với vị trí địa lý thuận lợi “nhất cận thị, nhị cận giang” là cửa ngõ phía Nam của thành phố, phường Nguyễn Phúc có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá phát triển. Trên địa bàn  phường có nhiều tuyến đường lớn chạy qua như Lê Hồng Phong, Nguyễn Phúc…Cùng các tuyến đường lớn còn có hệ thống đường nhánh tạo thành hệ thống giao thông thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá, phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ…

          Phát huy thế mạnh về vị trí địa lý là cửa ngõ của thành phố, cơ sở hạ tầng, ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Toàn phường có hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn đã hình thành những khu vực kinh doanh tập trung với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Chợ Nguyễn Phúc cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán giao thương hàng hoá của nhân dân trong phường và các vùng lân cận.

          Song hành với sự phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hoá – xã hội của phường cũng đạt được những thành tựu quan trọng góp phần đáp ứng nhiệm vụ chính trị và yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học sơ sở được đầu tư xây dựng cơ sở vât chất đồng bộ, kiên cố hóa. Công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh được thực hiện có kết quả. Công tác xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội… được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo thực hiện thu được nhiều thành tựu quan trọng.

          Trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân trong phường ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đến nay 100% số hộ trong phường có các phương tiện nghe, nhìn hiện đại; cùng với các loại báo, tạp chí của Đảng và các đoàn thể thì các loại hình thông tin, truyền thông hiện đại như điện thoại, Internet cũng phát triển mạnh, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

 Trong suốt chiều dài lịch sử, cư dân nơi đây có truyền thống gắn bó, đoàn kết, tương thân, tương ái; truyền thống quý báu đó được nhân lên gấp bội kể từ khi có Đảng, trở thành sức mạnh to lớn được chứng minh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và trong công cuộc đổi mới với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế.

Là một Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ thành phố Yên Bái, Đảng bộ phường Nguyễn Phúc có 502 đảng viên, sinh hoạt ở 14 chi bộ trong đó có 7 chi bộ tổ dân phố, 7 chi bộ hành chính, sự nghiệp, Đảng viên về sinh hoạt theo QĐ 213 là 545 đảng viên. Trong nhiều năm liền đạt Đảng bộ phường luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Sự đoàn kết, gắn bó cùng với kinh nghiệm, năng lực chỉ đạo thực tiễn; chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao là nhân tố quan trọng, quyết định tới sự phát triển của địa phương.

 Tự hào mang tên đồng chí Nguyễn Phúc, người chiến sỹ cộng sản mẫu mực, kiên trung cùng điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng cùng với sự chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương; phường Nguyễn Phúc hội tụ đủ các điều kiện tốt nhất để vượt qua những khó khăn, thách thức ngày càng phát triển, trưởng thành vững mạnh trong sự nghiệp cách mạng chung của thành phố Yên Bái.

Phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước, dũng cảm kiên cường của quê hương Yên Bái, bước vào giai đoạn cách mạng mới và đặc biệt từ khi được thành lập tháng 6/1988 đến nay, cán bộ và nhân dân các dân tộc phường Nguyễn Phúc tiếp tục đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc phường Nguyễn Phúc đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đảng bộ đã lãnh đạo kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội  với củng cố quốc phòng – an ninh, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị khá và đồng bộ, làm thay đổi căn bản bộ mặt đô thị của một phường. Đảng bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn xây dựng hệ thống chính trị từ phường đến các tổ dân phố vững mạnh toàn diện, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện tốt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Với truyền thống đoàn kết thân ái trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, Đảng bộ và nhân dân phường Nguyễn Phúc đã cùng nhau vươn lên xây dựng phường  ngày càng phát triển. Bởi vậy phường Nguyễn Phúc với hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành nhiều năm liền Đảng bộ phường Nguyễn Phúc luôn giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh; Chính quyền vững mạnh, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động luôn là điểm sáng của tỉnh và thành phố./.

Powered by VNPT